Nhớ bậc Thầy hiền

Nhớ bậc Thầy hiền
Ngày đăng: 30/07/2021 11:09 AM - Lượt xem: 419

    Vừa nghe tin Hoà thượng Thích Thiện Tâm viên tịch, trong tâm con chợt dâng lên cảm xúc về Ngài với hình ảnh bậc Thầy hiền quý kính. Dòng đời theo thời gian nhẹ nhàng thay đổi với bao kỷ niệm hạnh ngộ[1] nơi mảnh đất trần gian ngắn ngủi này, hẳn ai cũng có những phút giây gặp gỡ quý báu, nhất là khoảnh khắc tao phùng thắm đượm đạo tình với người mình tâm đắc. Hoà thượng là bậc Thầy giản dị, đầy đạo tình mà con từng phúc duyên diện kiến 29 năm qua trong ngôi nhà Chánh pháp.

    Lần đầu, con được phúc duyên diện kiến Thầy vào mùa An cư Kiết hạ năm 1992 tại Trường Cơ bản Phật học Long An (nay là Trường Trung cấp Phật học Long An), chùa Thiên Khánh. Đến Trường, Thầy không lên lớp dạy, không lên pháp toà thuyết pháp, không xướng tụng nghi lễ … như bao Thầy khác mà chở đến khi thì bao rau muống, lúc thì gạo, bắp chuối … trên chiếc xe Honda hiệu cánh én cũ kỷ. Ấn tượng đầu tiên của con về Thầy là “khô Từ Bi” [2], vì mỗi khi Thầy đến là mấy huynh đệ được thưởng thức món đặc sản này, nhưng ăn nhiều thì “Bồ Đề gai”[3] lại xuất hiện. Thầy là một trong 7 vị tôn đức[4] gần gũi Tăng sinh nhất, trong vai trò bảo trợ đời sống. Trong Phật giáo, một vị Thầy có 3 cách truyền đạt điều hay cho người khác là qua tâm ý, qua lời nói và qua hành động. Thầy đã truyền trao cho Tăng sinh trẻ đạo tình cao quý, hình ảnh giản dị, tấm lòng vị tha bao dung. Sáu năm trau dồi kinh sách của chúng con là 6 năm Thầy âm thầm bảo trợ cả vật chất lẫn tinh thần cho hàng Tăng trẻ yên tâm tu học. Khi ra trường, các Tăng sinh chúng con hay nhắc đến “khô Từ Bi”, đặc sản của Thầy.

    Lần thứ hai con tâm đắc khi được diện kiến Thầy tại chùa Thiên Long vào một ngày đầu xuân năm 2004. Lúc đó, con vừa về chùa mới, đến thăm Thầy trong những ngày đầu tập thừa hành Phật sự. Nơi thiền thất tĩnh lặng bên phải chùa có nhiều chậu sen đang ra hoa tươi thắm, Thầy ân cần tiếp đón vị Tăng trẻ. Những tưởng Thầy là bậc tôn đức nhiều kỷ cương, mực thước, uy nghi khó gần, nhưng con được gần Thầy như người bạn. Thầy bảo: “Không cần đắp y áo làm lễ nghi theo thông lệ con à, đến thăm Thầy là quý rồi. Xếp y áo lại đi, Thầy pha trà sen uống”. Con cảm kích và e ngại nhìn Thầy pha trà. Con chợt nghĩ mình đến để Thầy pha trà tiếp đãi là tổn phước mất. Chỉ ít phút sau, hương trà sen thơm ngát đã thoảng bay từ tách trà bằng gốm sưa. Bất ngờ thay, Thầy đưa ra một dĩa thức ăn, không phải bánh trái gì khác thường thấy mà chính là “khô Từ Bi” của năm nào. “Đặc sản chùa Thầy đó, ăn đi con, uống trà ngon lắm”, Thầy ân cần mời. Con thường có ý quan tâm tìm hiểu chuyện xưa, tích cũ nên trong lúc hàn huyên trà đạo lại được Thầy kể nhiều câu chuyện trong cửa thiền từ khi Thầy xuất gia, hành đạo từ lúc còn trẻ cho đến nay. Thầy khuyên con luôn thể hiện tinh thần hỷ xả để vượt qua mọi hoàn cảnh, cốt là giữ tâm đạo kiên cố. Từ thời chiến tranh đến lúc hoà bình và trong hôm nay, Thầy luôn một lòng theo gương giải thoát của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni để tu tập, có đạo tâm tốt là mọi việc đều hanh thông. Thầy đã cho con xem nhiều kỷ vật lưu niệm, nhiều nhất là các vòng tràng hạt bằng nhiều loại gỗ, đá … Thầy còn kể con nghe nhiều bài thuốc trị bệnh dân gian rất quý báu và một số bài chú hộ niệm bình an[5]. Buổi trưa hôm đó, con vô cùng cảm kích khi được thưởng thức buổi thọ trai do chính Thầy chế biến các món ăn; chắc hẳn luôn có khô Từ Bi ăn với mắm đậu, canh chua bạt hà và đậu bắp. Một buổi bên Thầy con thấy thời gian như chầm chậm nhẹ nhàng trôi qua. Khi tiển con về, Thầy lại dặn “Khi Long Phước có Phật sự gì, con cứ mời Thầy đến ủng hộ, đừng ngại”. Từ đó, con luôn được Thầy đến chứng minh trong các Phật sự lớn tại chùa như Đại lễ Thành Đạo, Phật đản, Vu Lan – Báo hiếu, khoá tu mùa hè ...

    Lần thứ ba, vào năm 2012, Thầy đã để lại sự quý kính trong lòng mọi người khi ban đạo từ tại Lễ Khai giảng Khoá tu mùa hè cho Thanh thiếu niên Phật tử với lời tâm tình đầy đạo lý. Thầy kể chuyện lúc còn bé, đến chùa sợ nhất là khi thấy ông Tiêu[6] le lưỡi, nhe răng, phun lửa … và hỏi các con có sợ như Thầy không, sợ để không làm điều ác, làm điều ác sẽ bị phạt, bị ông Tiêu liếm đầu. Câu chuyện đạo lý đơn giản nhưng các em rất thích nghe. Sau buổi lễ, nhiều em chạy lên chùa xem kỷ ông Tiêu hơn và bảo nhau đừng xấu với bạn sẽ bị ông liếm đầu. Chỉ với một câu chuyện thôi, Thầy đã đánh thức thiện tâm các bạn trẻ về việc lánh dữ làm lành. Khoá tu mùa hè năm nào Thầy cũng đến chứng minh và ủng hộ. Có một lần vào lúc 20 giờ 00 ngày 10 tháng 7 năm 2019, khi chương trình thi hoá trang của các em chuẩn bị bắt đầu, Thầy lại đến thăm và tham dự. Ban Tổ chức và các bạn trẻ vô cùng cảm kích. Sau chương trình, Thầy tặng cho mỗi bạn trẻ một hộp sữa. Thầy đi xe Honda về Châu Thành khi đồng hồ đã điểm 21 giờ 15, chúng con vừa quý kính vừa lo đường xa nguy hiểm. Lòng Thầy hiền luôn bao dung che chở.

    Lần thứ tư, chỉ mới năm ngoái thôi (2020), Thầy cùng chú Ba Thà[7] đến thăm Long Phước và nghỉ lại chùa. Đôi bạn tâm giao giữa Thầy và chú Ba thật sâu sắc. Cả buổi chiều và đến tận khuya mà những câu chuyện xưa vẫn tiếp nối sẻ chia chưa hết. Thầy thuộc nhiều thơ ca dân gian, ý tứ giản dị; chú Ba là nhà báo nên hay bàn đến chữ nghĩa, thơ ca và luận lý. Hai vị bàn đạo lý với hai quan điểm khác nhau vậy mà cuối cùng vẫn gặp nhau trong đạo lý nhà Phật với tư tưởng sắc-không, vẫn là lão niên tri kỷ trùng phùng. Người trẻ quên việc hiện tại chạy theo tương lai; người già trân trọng nhớ về ký ức trẻ trong quá khứ. Phật dạy hãy sống an lạc trong giây phút hiện tại[8]. Thầy nói: kể chuyện xưa để quý trọng việc hôm nay. Con nấu nước pha trà nghe hai lão niên đàm đạo, lòng như đang trải nghiệm kho tàng cổ tích sống động. Đây là những kỷ niệm cuối của phút tương ngộ thân tình Thầy trò trên lộ trình sinh tử của kiếp nhân sinh trong ngôi nhà Phật pháp tại thế giới Ta-bà này. Chú Ba Thà đã về Phật sau cuộc tao phùng đó. Tròn một năm, nay Thầy cũng về cõi Niết-bàn.

    Còn nhiều lắm những kỷ niệm hạnh ngộ với Thầy đọng lại trong tâm thức con, luôn là hình ảnh bậc Thầy hiền.

    Đời là vô thường. Sinh tử là bình thường. Chỉ còn lại tình thương. Thầy bình thường hiện thân trong nơi cõi Ta-bà này, sống giản dị ung dung giữa trần gian và giờ đây cũng từ biệt thế gian trong sự tĩnh lặng của mùa An cư Kiết hạ PL 2565 và bối cảnh xã hội loài người đang lắng đọng để vượt qua đại dịch covid-19 đang lan khắp địa cầu. Thiện tâm vẫn còn đó, lòng từ bi còn đây, đạo tình mãi đong đầy.

    Hôm nay, trong lúc nhục thân Thầy đang trà tỳ tại Hội Long, con dâng lên dòng cảm niệm đạo tình, kính lễ tri ân bậc Thầy hiền đã gieo duyên Bồ Đề cho hậu thế kế thừa mạng mạch Phật pháp.

    Thành kính dâng lên Giác linh tiền

    Đạo tình hạnh ngộ bậc Thầy hiền

    Ngài là gương sáng cho nhân thế

    Sứ giả Như Lai chốn cửa thiền

    Bốn chín mùa sen, hoa vẫn thắm

    Bảy mươi lăm hạ, tâm luôn hiền

    Đạo, đời nhẹ bước tuỳ duyên hiện

    Cảnh Phật an nhiên, ngộ đạo huyền

    Nhất tâm kính lễ!

    Sen Vàm Cỏ

    Vàm Cỏ Tây, 13 giờ 39, 18/7/2021

    Mùa An cư Kiết hạ, Phật lịch 2565

     



    [1] Hạnh phúc khi tao ngộ (gặp nhau).

    [2] Khô Từ Bi là cách gọi dí dỏm cho món ăn được làm bằng xác đậu nành đem trộn với gia vị, có thể thêm xả, ớt … rồi ép dẹp lại thành hình như chiếc bánh tròn nhỏ chừng 3 ngón tay, sau đó đem chiên hoặc nước ăn rất ngon.

    [3] Cách gọi dí dỏm khi bị nổi mụn trên da do ăn “khô Từ Bi” bị nóng. Nói vậy thôi, lúc này điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không có mà ăn chớ có đâu ăn nhiều.

    [4] Bảy vị tôn đức gắn bó trong thời gian đầu thành lập Trường gồm Thầy Minh Tánh, Thầy Thiện Thanh, Thầy Thiện Huệ, Thầy Huệ Hồng, Thầy Minh Thiện, Thầy Chơn Đạo và Thầy Thiện Tâm.

    [5] Con còn giữ bản bút của Hòa thượng viết về bài thuốc trị bệnh dân gian và các bài chú định tâm trừ sợ hãi. Thỉnh thoảng Ngài hay ghé thăm Long Phước và chỉ những điều tâm đắc, như các kỷ vật này.

    [6] Tiêu Diện Đại sĩ là hoá thân của Bồ tát Quan Thế Âm, hiện hình tướng dữ để trừ tà ngăn ác. Từ trong nhìn ra, Ngài Tiêu Diện được thờ bên trái và Ngài Hộ Pháp (hộ trì Chánh pháp) được thờ bên phải. Dân gian gọi là ông ác (ngăn trừ người làm điều ác) và ông Thiện (ủng hộ người làm việc thiện).

    [7] Chú Nguyễn Thanh Thà, pháp danh Thiện Ngộ, bạn tâm giao của Thầy, vốn là nhà báo. Chú thường sáng tác thơ về Phật. Mỗi khi có bài thơ mới, Chú thường mời Thầy uống trà và đọc thơ. Chú tâm đắc Kinh Kim Cang và Kinh Bát Nhã. Con còn giữ một số bài thơ, có cả thủ bút của chú ghi tặng. Khi mất, hình chú và cô đang thờ tại bàn linh Long Phước.

    [8] Bài kinh Người Biết Sống Một Mình, thuộc kinh Trung Bộ số 131.

     

     

    Tìm kiếm
    Lịch vạn sự
    Danh ngôn

    Cuộc Sống:

    Không làm các điều ác

    Siêng làm các việc lành

    Giử tâm ý thanh tịnh

    Là lời Chư Phật dạy.

    Kinh Pháp Cú

     

     
    Thành viên có mặt

    Đang online: 2 Hôm nay: 16 Tuần: 78 Tổng truy cập: 52122

    Music album
    Music cnn
    Zalo